Phục Hồi Chức Năng là một quá trình bao gồm nhiều bước, nhằm giúp bệnh nhân tái tạo lại khả năng hoạt động của các bộ phận, cơ quan trên cơ thể sau khi bị tổn hại hoặc suy giảm do chấn thương và phẫu thuật. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người phải trải qua quá trình phục hồi chức năng, một trong những nguyên do đó là phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
Phẫu thuật sau chấn thương là phương pháp điều trị được lựa chọn cho nhiều trường hợp chấn thương, song trên thực tế, đây chỉ là bước đầu tiên để điều trị các vấn đề chấn thương. Việc phục hồi chức năng cho bộ phận và cơ quan bị tổn thương trên cơ thể mới là giai đoạn chính cho quá trình chữa trị, nhằm đảm bảo rằng người bị chấn thương có thể quay trở lại cuộc sống bình thường trước kia, cũng như ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật. Tuỳ vào từng loại chấn thương và thể trạng của mỗi chấn thương và người bị chấn thương, các y bác sĩ sẽ đưa ra những chương trình phục hồi chức năng riêng, nhưng chung quy lại tất cả đều cần có sự hướng dẫn, theo dõi và đồng hành cùng các bác sĩ, chuyên viên vật lý trị liệu hoặc những người có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người bị tổn thương.
1.PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT LÀ GÌ?
1.1 Hiểu đúng về Phục Hồi Chức Năng sau phẫu thuật:
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật là loại chương trình điều trị được cá nhân hoá dựa trên thể trạng của người bệnh và tình trạng của chấn thương. Ví dụ, nếu bệnh nhân vừa được phẫu thuật khớp gối thì chương trình phục hồi thích hợp cho người bệnh là chương trình cần tập trung vào phần khớp gối và chân để có thể khiến khớp gối và chân hoạt động lại như bình thường, giúp bệnh nhân có thể đi lại, di chuyển độc lập mà không cần dụng cụ hỗ trợ.
Hầu hết các trường hợp sau phẫu thuật, các cơ mô mềm, xương và các cơ quan bị tổn thương trong cơ thể đều cần đi qua một giai đoạn phục hồi nhất định. Trong thời gian này, cơ thể người bệnh cần được nghỉ ngơi hoàn toàn và bắt buộc phải hạn chế tối đa các vận động dù nhẹ có ảnh hưởng đến vùng vừa phẫu thuật. Sau thời gian nghỉ ngơi thích hợp, để tránh bị yếu cơ, yếu chi hoặc hình thành nên những vết sẹo xấu, sẹo xơ trong khớp, người bệnh cần phải vận động trở lại. Và hành trình vận động trở lại bắt đầu bởi những động tác như thế nào đến khi hồi phục hoàn toàn gọi là quá trình Phục Hồi Chức Năng Sau Phẫu Thuật.
Để bắt đầu một quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật, bác sĩ điều trị phải giới thiệu bệnh nhân và tình trạng cũng như mục tiêu điều trị của bệnh nhân tới bác sĩ chuyên khoa Phục Hồi Chức Năng. Tình trạng chấn thương của bệnh nhân, mục tiêu điều trị, và những nguy cơ có thể xảy ra sau chấn thương là những thông tin mà bác sĩ điều trị cần truyền tải đến các bác sĩ chuyên khoa Phục Hồi Chức Năng. Qua đó, các bác sĩ chuyên khoa Phục Hồi Chức Năng sẽ đưa ra những đánh giá ban đầu, đặt ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho bệnh nhân, cũng như giải thích rõ quá trình này với bệnh nhân. Trong giai đoạn đầu của phục hồi chức năng, các bác sĩ sẽ chú trọng vào việc giúp bệnh nhân tự khôi phục những hoạt động sinh hoạt cá nhân hàng ngày, bao gồm những vấn đề vệ sinh chăm sóc bản thân cơ bản nhất. Tiếp theo sau đó là những mục tiêu giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân khi đã có sự tối ưu hoá chức năng cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.
Mỗi bệnh nhân đều có tốc độ phục hồi riêng, do đó liệu trình của bệnh nhân cần có sự theo dõi của các bác sĩ có chuyên môn, để có thể điều chỉnh và đưa ra những bổ sung thích hợp để phù hợp với tình trạng của bệnh nhân trong quá trình hồi phục của mình. Cần phải lưu ý thêm rằng sự hỗ trợ về mặt tinh thần từ người thân, bạn bè và tín ngưỡng trong quá trình này cũng cực kỳ quan trọng và cần thiết, thậm chí là không thể thiếu cho quá trình hồi phục của bệnh nhân.
1.2 Lợi ích của Phục Hồi Chức Năng sau phẫu thuật:
Trên thực tế, sau phẫu thuật, người bệnh cần phải tham gia vào các chương trình luyện tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt đúng theo chỉ định của bác sĩ. Khi tham gia luyện tập phục hồi chức năng đúng thời điểm, những lợi ích của Phục Hồi Chức Năng mới được đảm bảo phát huy tác dụng:
- Lợi ích cải thiện vận động ở phần cơ thể, cơ quan bị tổn thương đã phẫu thuật xong
- Lợi ích về việc giảm đau, giảm viêm và giảm sưng tấy, phù nề, vốn là những yếu tố khiến người bệnh bị hạn chế các cử động thông thường sau phẫu thuật
- Người bệnh được hướng dẫn các động tác đi đứng phù hợp với vết thương, những hoạt động sinh hoạt thường ngày để tránh ảnh hưởng đến vết phẫu thuật
- Lợi ích phòng tránh các biến chứng sau phẫu thuật và tránh các mô sẹo
- Lợi ích tăng cường sức mạnh các nhóm cơ và gia tăng độ dẻo dai của cơ thể người bệnh
- Lợi ích giúp cải thiện tuần hoàn máu và phòng tránh đông máu tại vết thương phẫu thuật
1.3 Một vài lưu ý cho bệnh nhân khi tham gia Phục Hồi Chức Năng sau phẫu thuật:
Để có thể đẩy nhanh quá trình Hồi Phục Chức Năng sau phẫu thuật, các bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Trong suốt quá trình tham gia trị liệu Phục Hồi Chức Năng, bệnh nhân cần có sự kiên trì hợp tác với các bác sĩ và những chuyên viên Vật Lý Trị Liệu
- Bệnh nhân tuyệt đối tuân theo lịch trình tập luyện đã được bác sĩ và chuyên viên vạch ra, tuyệt đối không được tập quá sức, tập thêm mà không có sự theo dõi của các chuyên viên vì việc này dễ gây ảnh hưởng đến vết thương của bệnh nhân
- Bệnh nhân không được tự ý ngừng sử dụng các dụng cụ hỗ trợ mà không có ý kiến của các chuyên viên hay bác sĩ
- Bệnh nhân cần phải trao đổi thường xuyên và kỹ càng với các chuyên viên để thông báo cảm nhận của bản thân, những dấu hiệu bất thường của cơ thể khi thích ứng với bài tập
Những lưu ý này giúp cho bệnh nhân có được quãng thời gian tập luyện thoải mái và vững chắc, giúp bệnh nhân nhanh chóng được phục hồi sức khoẻ và các chức năng cơ thể, từ đó nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống thường ngày của mình.
1.4 Những đối tượng cần tham gia quá trình Phục Hồi Chức Năng sau phẫu thuật:
Phục Hồi Chức Năng sau phẫu thuật thường được các bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân đã trải qua những phẫu thuật như sau:
- Phẫu thuật thay khớp: Khớp háng, Khớp vai, Khớp đầu gối do các bệnh thoái hoá khớp, viêm khớp hay do chấn thương dẫn đến biến dạng, hoặc do dị dạng bẩm sinh.
- Phẫu thuật nối hoặc phẫu thuật tái tạo dây chằng hay sụn đầu gối
- Phẫu thuật liên quan đến cột sống: phẫu thuật chữa trị thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật trượt đốt sống, phẫu thuật hẹp ống sống, hay phẫu thuật nứt gãy cột sống,…
- Phẫu thuật liên quan đến tim
- Các loại phẫu thuật chỉnh hình sau tai nạn
- Phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật thần kinh và ổ bụng
Phần tiếp theo bài viết sẽ nói rõ những lợi ích khi phục hồi chức năng sau từng loại hình phẫu thuật.
2.PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT KHỚP GỐI:
2.1 Mục tiêu của Phục Hồi Chức Năng sau phẫu thuật thay khớp gối:
Phẫu thuật thay khớp gối cho các bệnh nhân cao tuổi bị thoái hoá khớp gối là giải pháp hữu hiệu để giúp bệnh nhân có được cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật nhằm giúp bệnh nhân phục hồi khả năng di chuyển một cách độc lập trong thời gian ngắn nhất.
Mục tiêu của điều trị phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối là nhằm:
- Giúp bệnh nhân giảm các cơn đau, và kiểm soát phù nề ở vùng phẫu thuật
- Giúp bệnh nhân tăng cường phạm vi vận động khớp
- Giúp bệnh nhân tăng cường độ dẻo dai và tăng cường sức mạnh cơ bắp
- Giúp bệnh nhân có thể tự sử dụng các dụng cụ hỗ trợ và di chuyển độc lập
- Giúp bệnh nhân nhanh chóng tham gia vật lý trị liệu sau phẫu thuật
- Giúp bệnh nhân sớm quay trở lại cuộc sống bình thường
Khi tham gia phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối, các bệnh nhân được kỹ thuật viên bắt đầu tập các động tác gấp gối ngay trên giường bệnh. Khi gối của bệnh nhân đã vững vàng và ổn định đủ, các kỹ thuật viên sẽ giúp bệnh nhân bắt đầu tập đi bộ với nạng hoặc khung tập đi vài lần trong ngày. Thông qua các bài tập này sẽ giúp bệnh nhân bước đầu sử dụng chân và gối một cách bình thường nhất.
2.2 Các bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật:
Các bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật bao gồm những bài tập giúp lấy lại phạm vi vận động của khớp gối bao gồm các bài tập trợ giúp của kỹ thuật viên và bài tập sử dụng máy tập. Quá trình tập luyện của bệnh nhân bao gồm các bài tập làm vững chắc khớp gối, chịu các lực thăng bằng và phục hồi các hoạt động chức năng.
Bên cạnh đó, liệu trình phục hồi chức năng khớp gối còn bao gồm những bài tập liên quan đến cơ mông, khớp háng, cơ đùi và nhóm cơ cẳng chân. Những bài tập về chịu trọng lực và các bài tập đạp xe, bơi cũng được áp dụng vào bài tập hàng ngày cho bệnh nhân.
Một số bài tập tiêu biểu cho phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật có thể kể đến như sau:
- Giai đoạn 1: từ 1 đến 2 tuần sau phẫu thuật: áp dụng các bài tập co cơ, vận động khớp cổ chân, tập trượt gót chân, các bài tập vận động chủ động khớp gối, tập sức mạnh cho cơ đùi, cơ cẳng chân… tiếp theo sau đó là những bài tập gập, duỗi, cử động dạng và khép háng chủ động. Bệnh nhân trong giai đoạn này cũng có thể tập di chuyển vào nhà vệ sinh với sự hỗ trợ của người thân, kỹ thuật viên. Vào cuối giai đoạn 1, bệnh nhân có thể tập đứng chịu lực trên 2 chân, rồi từng chân, sau đó tập thăng bằng và dồn trọng lực lên chân vừa phẫu thuật.
- Giai đoạn 2: từ 2 đến 5 tuần sau phẫu thuật: bên cạnh việc duy trì các bài tập ở giai đoạn 1, trong gia đoạn này, bệnh nhân cần gia tăng độ khó cho các bài tập trước. Thêm vào đó, bệnh nhân cần bổ sung các bài tập kéo giãn thụ động khớp gối, tập di chuyển trên đệm, bước qua các vật cản và bắt đầu các bài tập xuống tấn. Ở giai đoạn này, bệnh nhân cũng cần tập luyện di chuyển tại giường, sử dụng nhà tắm và tự đi giày dép.
- Giai đoạn 3: từ 6 đến 8 tuần sau phẫu thuật: tiếp tục duy trì các bài tập ở giai đoạn 2 với cường độ cao hơn, đồng thời bệnh nhân cần tập để bỏ đi các dụng cụ hỗ trợ, tập đứng chịu lực hoàn toàn trên chân thay khớp và tập lại các môn thể thao như đạp xe đạp, chạy bộ nhẹ.
Bệnh nhân tuân thủ các bài tập phục hồi chức năng sau thay khớp gối có thể giúp cải thiện tốt tình trạng khớp gối nhanh chóng hơn và sớm quay trở lại hoạt động như bình thường.
3.PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT TÁI TẠO DÂY CHẰNG
3.1 Một số lưu ý khi thực hiện Phục Hồi Chức Năng sau phẫu thuật tái tạo dây chằng
Sau khi phẫu thuật tái tạo dây chằng, bệnh nhân cần khoảng 9 tuần để các mảnh ghép ở khớp gối lành lại, và đó là giai đoạn các bệnh nhân cần thực hiện các bài tập phục hồi chức năng phù hợp, để đảm bảo mảnh ghép được bảo vệ toàn vẹn trong suốt quá trình phục hồi, đồng thời cũng giúp các bệnh nhân giảm đau, sớm phục hồi khả năng vận động, gia tăng sức mạnh ở các nhóm cơ, và tái tạo toàn bộ chức năng của khớp gối cũng như khả năng hoạt động độc lập của nó.
Sau tái tạo dây chằng chéo trước, mảnh ghép cần thời gian để thích ứng với môi trường mới và lành lặn trở lại. Do đó, bệnh nhân nhất thiết cần phải lưu ý:
- Tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn của bác sĩ điều trị và các chuyên viên vật lý trị liệu
- Không chịu sức nặng lên chân vừa được phẫu thuật mà không thông qua các bài tập vật lý trị liệu trước đó
- Luôn sử dụng nạng cho đến khi các kỹ thuật viên vật lý trị liệu xác nhận rằng bệnh nhân không cần đến nó nữa
- Tuyệt đối không gập khớp gối nhiều hơn liệu trình cho phép
- Tuyệt đối không vặn và phải cực kỳ cẩn thận khi xoay cơ thể, không được dùng chân vừa phẫu thuật để xoay hay vặn
- Không được ngồi với tư thế bắt chéo chân
- Tuyệt đối không nâng vật nặng khi chưa lành lặn hẳn
- Bệnh nhân chỉ có thể sử dụng cầu thang dưới sự hướng dẫn và theo dõi của chuyên viên vật lý trị liệu
- Bệnh nhân cần yêu cầu sự trợ giúp ngay khi có biểu hiện chóng mặt hay mệt dễ dẫn đến té ngã trong quá trình di chuyển hay tập luyện
3.2 Các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật tái tạo dây chằng:
Một số bài tập dùng cho phục hồi chức năng sau phẫu thuật tái tạo dây chằng có thể kể đến như sau:
3.2.1 Các bài tập cho giai đoạn nằm viện:
Trong quá trình nằm viện, liệu trình phục hồi chức năng của bệnh nhân đã ngay lập tức bắt đầu vào ngày phẫu thuật và tiếp tục hằng ngày cho đến khi bệnh nhân được xuất viện. Các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân đẩy nhanh các tiến trình bằng nhiều phương pháp giúp kiểm soát cơn đau và những vết sưng tấy, song song đó là những bài tập mà bệnh nhân vẫn phải duy trì sau khi xuất viện về nhà:
- Bài tập gập – duỗi và xoay tròn cổ chân: bài tập này giúp duy trì sự lưu thông máu ở bắp chân cũng như ngăn ngừa tình trạng tụ máu
- Bài tập cơ tứ đầu: ở bài tập này bệnh nhân cần một cái khăn cuộn đặt dưới gối, sau đó gập bàn chân để có thể gồng cơ tứ đầu
- Bài tập trượt gót chân: bệnh nhân từ từ gập khớp gối đến góc vuông 90 độ sau đó giữ lại 10 giây và duỗi ra thả lỏng trong 10 giây tiếp theo
- Bài tập gập gối: bệnh nhân trong bài tập này cần ngồi ở cạnh giường, duỗi thẳng chân vừa được phẫu thuật, sau đó từ từ gập chân phẫu thuật lại, dưới sự trợ giúp của chân còn lại.
- Bài tập nâng thẳng chân: ở bài tập này, bệnh nhân cần giữ thẳng chân phẫu thuật và nâng lên khỏi giường, giữ tư thế đó trong 6 giây sau đó đặt xuống và thả lỏng.
Các bài tập này cần lặp lại và duy trì trong suốt quá trình nằm viện và sau khi về nhà của bệnh nhân.
3.2.2 Các bài tập cho giai đoạn về nhà:
Sau khi về nhà, bên cạnh việc duy trì những bài tập như khi còn nằm viện, bệnh nhân còn phải tập thêm những bài tập khác theo từng giai đoạn như:
- Giai đoạn 2 tuần sau khi xuất viện: bệnh nhân có thể đi lại thường xuyên với những quãng đường ngắn, nâng cao chân khi ngồi để giảm đau và sưng, và tiếp tục điều chỉnh lại dáng đi với nạng để đảm bảo khớp gối thẳng và gập gối trong giai đoạn co chân lên cao.
- Giai đoạn từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 6: các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ giúp bạn tăng độ khó cho các bài tập trong giai đoạn này, bao gồm các bài tập squat nhẹ, nhón gót chân, bước tới và bước ngang. Một số bệnh nhân có thể tiến tới đạp xe tại chỗ.
- Giai đoạn từ tuần thứ 6 đến tháng thứ 3 sau phẫu thuật: đây là giai đoạn bệnh nhân cần tái tạo sức mạnh cho nhóm cơ chân, cũng như cải thiện độ thăng bằng và tập luyện cho sự phối hợp chân. Bên cạnh các bài tập thông thường, các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ ghép thêm cho bệnh nhân một số bài tập về tim mạch, tăng sức cho cơ và giãn cơ
- Giai đoạn từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 sau phẫu thuật: giai đoạn này khi bệnh nhân đã có thể đứng thăng bằng trên một chân mà không cần sự trợ giúp nào, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ đưa bệnh nhân vào chương trình nâng cao. Tại giai đoạn này, bệnh nhân có thể chuyển sang các hoạt động như chạy bộ và các bài tập rèn luyện sự linh hoạt .
Sau quá trình 6 tháng , bệnh nhân đã hoàn toàn có thể sinh hoạt hàng ngày một cách bình thường và khoẻ mạnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 9, bệnh nhân vẫn cần liên hệ với các chuyên viên vật lý trị liệu nếu có những triệu chứng đau hoặc mất cân bằng cơ thể. Đặc biệt, bệnh nhân không được tự ý thay đổi liệu trình tập luyện của bản thân, và tuyệt đối không nên tập luyện quá sức mình, tránh những rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, gây nên những hậu quả nghiêm trọng hơn sau phẫu thuật.
4.PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP HÁNG
4.1 Một số lưu ý khi thực hiện Phục Hồi Chức Năng sau phẫu thuật thay khớp háng
Sau khi phẫu thuật thay khớp háng, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị để bắt đầu liệu trình phục hồi chức năng ngay trong quá trình nội trú tại bệnh viện. Các bước đầu tiên trong quá trình phục hồi chức năng này của bệnh nhân bao gồm:
- Tạo tư thế thoải mái và an toàn cho bệnh nhân
- Kiểm soát các cơn đau và những vùng sưng tấy sau phẫu thuật
- Tập đứng và cử động với dụng cụ hỗ trợ
- Tập cho bệnh nhân tăng cường vận động các khớp và gia tăng sức mạnh cơ bắp
- Hướng dẫn bệnh nhân cách cử động để tránh trật khớp háng
- Hướng dẫn bệnh nhân cách sắp xếp môi trường sống để di chuyển được an toàn hơn
- Hướng dẫn bệnh nhân cách di chuyển với dụng cụ trợ giúp và lên xuống cầu thang an toàn
Sau khi xuất viện, bệnh nhân vẫn nên tiếp tục các chương trình vật lý trị liệu với các chuyên gia và kỹ thuật viên, để có được liệu trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật tốt nhất và phù hợp nhất với thể trạng và tình trạng của bản thân.
Bệnh nhân cần lưu ý những điểm sau để có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi của mình:
- Tránh vận động quá sức
- Tránh tất cả các tư thế và động tác không được sự cho phép của chuyên viên
- Tập luyện đúng theo yêu cầu của chuyên viên vật lý trị liệu, không được tập quá sức
- Tránh đứng hay ngồi một chỗ quá lâu, thay vào đó bệnh nhân nên di chuyển thường xuyên với những quãng đường ngắn
- Mang vớ áp lực thường xuyên theo đề nghị của bác sĩ điều trị
- Tránh những hành động bất ngờ dễ gây té ngã ảnh hưởng đến vết thương sau phẫu thuật
Trong 3 tháng đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân có nguy cơ bị trật khớp háng rất cao, do đó bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ các phương pháp tập luyện và những lưu ý của bác sĩ và chuyên viên vật lý trị liệu.
4.2 Lưu ý để tránh trật khớp háng sau phẫu thuật
Để tránh trật khớp háng, bệnh nhân cần phải lưu ý thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như:
- Không gập khớp háng quá góc vuông 90 độ khi ngồi hoặc khi cúi người về phía trước
- Không xoay gập chân vào bên trong, đặc biệt là chân phẫu thuật
- Không ngồi với tư thế bắt chéo chân dù là bắt chéo ở mắt cá chân cũng không được phép
Một số tư thế cần lưu ý:
4.2.1 Tư thế trong lúc nằm và khi ngủ:
- Khi nằm ngửa: không được bắt chéo chân
- Khi nằm nghiêng: bệnh nhân kẹp gối vào giữa hai chân và nằm nghiêng về phía chân không phẫu thuật
4.2.2 Khi lên và xuống giường:
- Bệnh nhân cần rời giường bằng chân phẫu thuật và giữ cho hai đùi cách xa nhau, sau đó từ từ di chuyển ra mép giường.
- Dùng tay để nâng cơ thể lên bằng cách đặt tay ở phía sau khớp hông
- Khi lên giường, bệnh nhân ngồi ở cạnh giường, sau đó vừa đẩy khớp hông về phía trước và giữ hai chân thẳng rồi từ từ nằm xuống
4.2.3 Khi ở tư thế ngồi:
- Bệnh nhân nên ngồi ở tư thế khớp gối thấp hơn, bệnh nhân có thể đặt thêm gối dưới mông để duy trì tư thế này
- Tuyệt đối không được ngồi ở tư thế chồm hổm
- Tuyệt đối không ngồi tư thế bắt chéo chân
Trên đây là những thông tin, định nghĩa và lưu ý về Phục Hồi Chức Năng sau phẫu thuật. Quá trình phục hồi chức năng này có rất nhiều vấn đề cần lưu tâm, đặc biệt là những tư vấn của các kỹ thuật viên, chuyên viên vật lý trị liệu.
Để được tư vấn và sở hữu liệu trình Phục Hồi Chức Năng chuyên nghiệp và hiệu quả, hãy liên hệ ngay đến Phòng khám xương khớp YOYA theo địa chỉ:
PHÒNG KHÁM VẬT LÝ TRỊ LIỆU YOYA
- Địa chỉ: S52, chung cư Sky Garden Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 – 627 07957/ 028 – 54103992