LƯU Ý KHI XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG TRONG THỂ THAO

Khi tham gia chơi thể thao, bạn có thể gặp những cơn đau nhức và chấn thương trong quá trình vận động. Sơ cứu lập tức sẽ giúp bạn giảm cơn đau và cải thiện tình hình đáng kể trong giai đoạn kế tiếp. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sơ cứu đúng và đôi khi những sai lầm trong sơ cứu sẽ khiến tình trạng chấn thương trở nên nghiêm trọng, thậm chí để lại nhiều di chứng đáng tiếc. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu những lưu ý khi xử lý chấn thương trong thể thao để trang bị thêm cho mình những kiến thức cần thiết nhé!

1. Phân biệt cơn đau sinh lý và bệnh lý

1.1. Định nghĩa

– Cơn đau sinh lý là những “cơn đau tốt” chứng tỏ bạn đã có một buổi tập luyện hiệu quả. Sự co giãn liên tục của các sợi cơ trong quá trình hoạt động và sự sản sinh axit lactic trong cơ có thể gây nhức mỏi cho bạn trong những ngày sau luyện tập. Cơn đau nhanh chóng biến mất sau 2 đến 3 ngày. Dù gây ra nhiều khó chịu nhưng những cơn đau sinh lý này sẽ giúp cơ thể bạn thích nghi trong những lần luyện tập tiếp theo. 

– Cơn đau bệnh lý là những cơn đau có căn nguyên bệnh hay các tổn thương không nằm trong các hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Cơn đau bệnh lý có thể trở nên nghiêm trọng nếu bạn không xử lý sớm.

1.2. Cách phân biệt đau nhức do luyện tập và đau do chấn thương

Bạn có thể phân biệt cơn đau của mình dựa trên những yếu tố sau:

Thời điểm

Cơn đau sinh lý thường xuất hiện 12 – 24 giờ sau tập. Đau nhất thường xuất hiện 48 giờ sau tập.

Đau do chấn thương thường bắt đầu ngay tại chỗ khi chấn thương xảy ra. Nếu bạn cảm thấy đau ngay lập tức trong lúc tập hay ngay sau tập thì bạn biết là mình đã chấn thương.

Thời lượng

Đau do mỏi cơ kéo dài khoảng 2-3 ngày, mức độ đau giảm dần và cải thiện độ linh hoạt khi đến ngày thứ 3. 

Đau do chấn thương thường kéo dài hơn (4-5 ngày hoặc 1 tuần chưa khỏi) và có xu hướng tăng nặng nếu không được chữa trị. 

Cảm giác

Với đau do mỏi cơ sinh lý, bạn sẽ thấy cơ bắp căng cứng khi chạm vào và mỏi sâu. Cơn đau có thể sẽ làm bạn kém linh hoạt nhưng không ngăn cản hoàn toàn các hoạt động.

Đau do chấn thương thường được mô tả như đau nhói. Chỗ chấn thương có thể bị sưng, nóng, đỏ. Đôi khi ngay cả các vận động bình thường như đi lại cũng làm chỗ đau bị nhức, khó chịu.

Vị trí

Vị trí đau trong sinh lý thường liên quan đến một khu vực rộng các cơ bắp, ít khi đau ở khớp, xương.

Trong chấn thương, vị trí đau thường bị ở một khu vực nhỏ, có thể đau lan dần nếu liên quan đến chấn thương dây thần kinh. Ngoài ra chấn thương thường liên quan tới xương, khớp.

Cải thiện tình hình

Trong hầu hết các trường hợp, các hoạt động nhẹ giúp cho máu lưu thông, như đi bộ, chạy nhẹ sẽ giúp cho cơn đau sinh lý nhanh qua hơn. 

Tuy nhiên, khi chấn thương, bạn sẽ không cảm thấy đỡ hơn tí nào khi vận động nhẹ. 

2. Bốn bước sơ cứu chấn thương theo phương pháp RICE

Trong chấn thương, các mạch máu nuôi tổ chức đồng thời cũng bị tổn thương, gây chảy máu, dẫn đến tình trạng đau, phù nề, làm giảm hoặc mất chức năng vận động của chi. Do đó, trong xử lý chấn thương phần mềm cấp tính, mục đích quan trọng là làm giảm chảy máu tại vị trí tổn thương. Nếu chấn thương được xử lý ban đầu đúng cách, triệu chứng sẽ giảm tức thì, tổn thương nhanh chóng hồi phục. Trong số các phương pháp cấp cứu ở những chấn thương mô mềm, RICE được sử dụng phổ biến và hiệu quả.

2.1. R – Rest (Nghỉ ngơi)

Nghỉ ngơi là quá trình quan trọng nhất nhằm bảo vệ và tránh lan rộng tổn thương cơ, gân, dây chằng hoặc các mô. Nghỉ ngơi ngay sau chấn thương, càng sớm càng tốt để tránh chảy máu, giảm phù nề. Hạn chế vận động, di chuyển. Tốt nhất là bất động chi bằng bột hoặc nẹp. 

Tránh đặt những vật nặng hay tác động vào phần chấn thương. Theo các chuyên gia y tế, nghỉ là phần quan trọng để thúc đẩy chữa trị hiệu quả theo pháp đồ RICE. 

2.2. I – Ice (Làm lạnh)

Chườm đá giúp giảm đau, giảm co thắt, giảm sưng nề và giảm chảy máu. Nhiệt độ lạnh nhanh chóng giúp người dính chấn thương giảm đau, đồng thời hạn chế sưng vì nhiệt độ lạnh làm giảm lưu lượng máu đến vùng bị thương. 

Tuy nhiên, việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh trực tiếp trong thời gian dài có thể gây tổn thương da, bỏng lạnh. Thời gian hợp lý nhất là dùng túi đá trong khoảng 15 phút, sau đó chờ vùng da bị tổn thương ấm lại mới tiếp tục. Nên dùng đá lạnh bọc trong khăn mỏng ép vào vùng bị chấn thương. Tốt hơn nữa là sử dụng những túi chườm đá có chức năng massage.

2.3. C – Compress (Băng ép)

Băng bó, ép chặt vùng chấn thương giúp hạn chế chảy máu và giảm phù nề, có thể trì hoãn việc chữa bệnh một thời gian. Tốt nhất dùng băng thun, băng tại vị trí tổn thương, băng rộng lên phía trên và xuống phía dưới vùng thương tổn. Nếu bạn cảm thấy đau nhói hay quá chặt, có thể nới lỏng dần dần.

2.4. E – Elevate (Kê cao chi)

Kê cao chi (cao hơn mức tim) nhằm tạo thuận lợi cho máu trở về tim dễ dàng, giúp giảm phù nề, giảm chảy máu. Với chi dưới, kê cao chân ở tư thế nằm, với chi trên, treo tay bằng đai treo tay

sportsman having difficulties training feeling pain health issues 342744 638

3. Những lưu ý khi tự xử lý vết thương

3.1. Những sai lầm trong sơ cứu vết thương

– Chườm nóng: Chườm nóng sẽ làm tăng chảy máu. Tránh bất kỳ một tác động nhiệt nóng nào vào vùng tổn thương như chườm khăn nóng, rửa vòi nước ấm… Tuy nhiên, không có nghĩa cần tránh tuyệt đối chườm nóng với các chấn thương. Nhiệt độ nóng có thể hữu ích sau giai đoạn cấp tính, sưng và máu đã ngừng chảy. Lúc này, nhiệt làm tăng khả năng cung cấp máu đến vùng tổn thương và thúc đẩy quá trình hồi phục.

– Sử dụng cồn, dầu xoa bóp: Đắp cồn hoặc rượu cũng tăng chảy máu, tăng phù nề, và làm cho vùng tổn thương lâu hồi phục.

– Hoạt động mạnh: Chạy hay tập luyện trong vòng 72 giờ đầu sẽ làm tổn thương tiến triển nặng hơn.

3.2. Những trường hợp cần đến bệnh viện xử lý

Trong hầu hết các trường hợp chấn thương, bạn cần đến bệnh viện xử lý ngay sau khi sơ cứu tạm thời, không nên để vết thương tự lành. Trong nhiều trường hợp nặng như xương biến dạng, chảy máu nhiều, bệnh nhân cảm thấy đau nhói và không thể cử động,… điều bạn nên làm là gọi cấp cứu và để đội ngũ chuyên nghiệp xử lý. Nếu không có đủ kiến thức về xử lý vết thương, những sai lầm trong sơ cứu có thể khiến vết thương nghiêm trọng hơn và để lại di chứng đáng tiếc.

4. Trung tâm vật lý trị liệu xương khớp YOYA – Địa chỉ tin cậy của mọi nhà

Phòng khám vật lý trị liệu YOYA  có mặt tại khu vực quận 7 Thành Phố Hồ Chí Minh vào năm 2009. Hiện có 3 vị  y bác sĩ chuyên nghiệp đến từ Đài Loan. Với không gian thoải mái, hệ thống phòng ốc hiện đại, cùng các thiết bị kỹ thuật tiên tiến. Bệnh nhân được thăm khám điều trị tận tình ngay tại phòng khám và cung cấp các dịch vụ điều trị ưu việt nhất. 

Đội ngũ y bác sĩ với phương châm là tính chuyên nghiệp, phục vụ tận tình, hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân 1 cách tốt nhất.

YOYA là trung tâm Vật lý trị liệu thông qua 3 hình thức: điều trị bằng động tác, điều trị bằng phương pháp thủ công và điều trị  bằng thiết bị. Các phương pháp trị liệu được thực hiện bởi chuyên viên vật lý trị liệu đảm bảo sự hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân.

Hãy liên hệ YOYA để nhận được điều trị ưu việt thông qua địa chỉ liên hệ:

YOYA Orthopedic Physical Therapy

Địa chỉ: S52 Sky Garden Phú Mỹ Hưng, Phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Số điện thoại: 028-62707957/028-54103992

Những chấn thương trong thể thao rất thường gặp và đôi khi không thể tránh khỏi. Trang bị cho mình những kiến thức về sức khỏe chưa bao giờ là thừa. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích về cách xử lý chấn thương trong thể thao. Hãy tận hưởng những phút giây cảm nhận sức lực dồi dào trong cơ bắp và đừng quên chăm sóc cho chúng để tiếp tục duy trì thói quen vận động lành mạnh nhé!